Với sự phát triển của công nghệ, smartphone ngày nay đã trở thành vật dụng không thể thiếu. Điện thoại giúp chúng ta từ học tập và làm việc, cho đến giải trí đều hiệu quả hơn. Tuy nhiên, hiệu ứng xấu nó gây ra cũng không hề ít một chút nào.
1. Sử dụng quá lâu trước khi ngủ
Hầu hết các mẫu smartphone ngày nay đều được trang bị màn hình phát ra ánh sáng xanh, giúp hình ảnh rõ và sáng hơn, đặc biệt là khi dùng ngoài trời nắng.
Nhưng vào ban đêm, ánh sáng này có khả năng khiến melatonin (hormone gây buồn ngủ) bị ức chế, dẫn đến chuyện bạn trở nên khó an giấc hơn và cuối cùng là thiếu ngủ vào sáng hôm sau. Tiếp xúc lâu ngày, ánh sáng xanh còn gây ra hiện tượng đau đầu và giảm thị lực của mắt.
Để giảm thiểu tác hại này, tốt nhất là không sử dụng điện thoại trước khi ngủ khoảng 1 - 2 tiếng. Trong trường hợp buộc phải dùng, ít nhất hãy để nó ở chế độ ban đêm - màn hình sẽ ám vàng, giúp bạn đỡ bị ảnh hưởng hơn.
2. Để cạnh gối ngủ
Nhiều người có thói quen để điện thoại cạnh gối khi đi ngủ. Làm như vậy rất tiện, nhưng không nên chút nào vì thói quen này vô cùng có hại cho sức khỏe.
Như chúng ta đã biết, smartphone hay điện thoại di động về cơ bản là một thiết bị phát và thu sóng điện từ - nghĩa là nó phát ra sóng radio. Một số chuyên gia đã từng lên tiếng cảnh báo rằng, sóng di động có thể tác động đến não và ảnh hưởng đến chu kỳ ngủ của chúng ta, thậm chí có thể gây ra bệnh ung thư.
Mặc dù vấn đề này còn gây nhiều tranh cãi, nhưng để an toàn thì chúng ta nên để điện thoại cách xa chỗ ngủ của mình, tốt nhất là nên để thiết bị ở chế độ máy bay.
3. Dùng điện thoại khi tín hiệu yếu
Khi vào thang máy của tòa nhà chung cư hoặc xuống hầm để xe, đa số smartphone sẽ gặp phải tình trạng sóng yếu, thực hiện cuộc gọi một cách khó khăn, thậm chí là mất hẳn cột sóng.
Vào những lúc thế này, người dùng nên hạn chế sử dụng điện thoại, vì những lúc như thế này di động sẽ phát ra nhiều sóng điện từ hơn để đảm bảo kết nối được ổn định.
4. Tư thế dùng điện thoại xấu
Sự phổ biến của điện thoại di động đã kéo theo rất nhiều chứng bệnh lạ liên quan: ngón tay bị cong vẹo, biến dạng, cứng khớp ngón tay, đau vai gáy, đau lưng,....
Nguyên nhân của hội chứng này đến từ việc chúng ta thường cúi đầu khi nhìn điện thoại. Càng cúi thấp, áp lực cho chiếc cổ sẽ càng tăng, thậm chí lớn gấp 5 lần so với trọng lượng vốn có của đầu. Lâu dần, cột sống sẽ bị tật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt thẩm mỹ.
5. Để điện thoại tiếp xúc trực tiếp với da
Các điện thoại ngày nay tuy có độ ổn định cao, nhưng thi thoảng sẽ có lúc bị nóng lên bất chợt. Da của bạn nếu tiếp xúc trực tiếp sẽ hấp thụ nhiệt lượng ấy, cùng với đó là sóng từ trường phát ra.
Mặc dù khoa học vẫn chưa chứng minh được tác hại của sóng ấy với cơ thể của con người, nhưng thực tế cho thấy tỷ lệ hấp thụ sẽ giảm đáng kể khi chúng ta không tiếp xúc trực tiếp.
Vậy nên tốt nhất là không nên để điện thoại trong túi quần, túi áo và nên qua một lớp túi xách thì hơn. Bạn cũng nên sử dụng tai nghe hoặc loa ngoài khi đàm thoại, để tránh tiếp xúc trực tiếp.
Xem thêm: Đừng mua loại iPhone này dù bạn có ham muốn đến mấy