Bạn đang muốn kiểm tra xem iPhone có phải là hàng chính hãng, nguồn gốc của thiết bị hoặc chỉ đơn giản là phân biệt máy quốc tế và máy lock? Hãy bắt đầu từ các chỉ số Serial Number, Model Number và Part Number. Đây là 3 thông số quan trọng được Apple tích hợp sẳn trong thiết bị, giúp bạn hiểu rõ chiếc iPhone mình đang cầm có 'lai lịch' như thế nào, có chính hãng hay không, đã kích hoạt chưa và xuất xứ từ đâu.
Serial, Model và Part Number là gì?
Khi cầm trên tay một chiếc iPhone - dù là máy mới, máy cũ hay hàng xách tay, thì việc đầu tiên mà bạn cần phải làm không phải là 'bật máy', mà là kiểm tra ba thông tin quan trọng này - Serial Number, Model Number và Part Number.
Nếu như không hiểu rõ 3 thông tin này, khả năng cao là bạn có thể sẽ:
♦ Mua phải iPhone khóa mạng (lock) mà tưởng là máy quốc tế.
♦ Bỏ tiền mua máy mới, nhưng lại nhận về máy đổi bảo hành.
♦ Dùng máy không tương thích mạng Việt Nam.
♦ Mua phải máy đã hết bảo hành từ lâu, nhưng shop vẫn cam kết 'bảo hành 12 tháng chính hãng'.
Nghe đáng sợ phải không? Bình tĩnh. Giờ mình sẽ gỡ từng nút thắt cho bạn, giải thích từng loại mã một cách rõ ràng và dễ hiểu, có ví dụ cụ thể. Không cần là dân công nghệ, bạn vẫn tra được 'gốc gác' chiếc iPhone của mình như chuyên gia.
Xem thêm: iPhone Lock là gì?
Serial Number là gì?
Serial Number (số sê-ri) là mã định danh duy nhất của mỗi thiết bị Apple. Mỗi chiếc iPhone được sản xuất đều sẽ mang một số serial riêng biệt - không trùng nhau và không thể copy được.
Bạn có thể tìm thấy Serial Number tại:
♦ Cài đặt -> Cài đặt chung -> Giới thiệu.
♦ In trên hộp iPhone (nếu còn).
♦ Khe SIM (trên một số dòng iPhone cũ).
Với số serial, bạn có thể:
♦ Tra cứu thông tin bảo hành tại checkcoverage.apple.com.
♦ Kiểm tra ngày kích hoạt và thời hạn bảo hành.
♦ Biết được thiết bị đã active hay chưa.
♦ Dò ra thiết bị là hàng đã 'sửa chữa' hay 'tân trang'.
Một số Serial còn tiết lộ cả năm sản xuất, nhà máy lắp ráp và tuần sản xuất. Tuy không cần thiết với người dùng phổ thông, nhưng đối với dân chuyên thì họ có thể soi chi tiết này để kiểm tra xem máy còn 'zin' hay không.
Ví dụ: Một chiếc iPhone có số serial là G0NZD30TML85, bạn chỉ cần nhập số này vào trang check của Apple. Nếu kết quả hiện ra là:
♦ Please activate your device - đây là 'máy chưa kích hoạt (hàng mới)'.
♦ Repalcement Device - máy này là hàng được đổi trả bảo hành theo chính sách của Apple.
Part Number là gì?
Part Number thường có dạng xxxxxxx/A, đây là mã số giúp xác định phiên bản iPhone đó là:
♦ Máy mới, máy đổi bảo hành hay hàng tân trang.
♦ Dành cho thị trường nào.
♦ Màu sắc và dung lượng cụ thể.
Trong đó, ký tự đầu tiên sẽ cho biết:
♦ M - Máy mới (mua từ Apple hoặc đại lý chính hãng).
♦ N - Máy đổi bảo hành theo chính sách của Apple.
♦ F - Hàng tân trang được thực hiện bởi Apple.
♦ 3 - Thiết bị trưng bày tại các store của Apple.
Các ký tự ở giữa sẽ cho biết mã màu sắc, dung lượng và dòng máy. Còn 2 hoặc 3 ký tự cuối cùng (trước dấu /A) sẽ cho chúng ta biết được đây là chiếc iPhone dành cho thị trường nào.
Ví dụ: iPhone có Part Number là NLPF3VN/A, thì đây là
♦ N - Máy đổi bảo hành.
♦ VN/A - Được sản xuất dành riêng cho thị trường Việt Nam.
♦ LPF3 - Đây là iPhone 13 màu Midnight và có dung lượng 128GB.
Xem thêm: Cách kiểm tra xuất xứ iPhone chính xác 100%
Model Number là gì?
Model Number (số hiệu máy) là mã iPhone, giúp bạn biết chiếc iPhone đó thuộc phiên bản nào, được phân phối ở thị trường nào, hỗ trợ tần số mạng nào, có bị giới hạn chức năng không (như âm camera không tắt khi chụp), là bản lock hay quốc tế,....
Để kiểm tra mã Model Number, bạn chỉ cần vào Cài đặt -> Cài đặt chung -> Giới thiệu -> Số máy. Nếu thấy dòng Số máy có dạng xxxxxxx/A, bạn chỉ cần nhấn vào dòng Số máy là sẽ chuyển sang dạng Axxxx - đây chính là Model Number.
Ví dụ: Một chiếc iPhone 11 có mã model là A2111, chúng ta có thể biết được đây là một chiếc iPhone:
♦ Được phân phối tại thị trường Mỹ và Canada.
♦ Máy hỗ trợ 1 SIM vật lý + 1 eSIM.
♦ Thiếu một vài băng tần quốc tế như Band 28 (thường dùng ở Úc).
♦ Không hỗ trợ mmWave 5G (chưa có chip 5G).
Kết luận
Bạn thấy đấy, 2 chiếc iPhone cùng dòng khi đặt chung với nhau, nhìn bề ngoài thì có vẻ chúng giống nhau như 'hai giọt nước', nhưng bên trong lại 'lai lịch' rất khác nhau. Nếu không hiểu ba loại mã này, bạn có thể sẽ dễ bị dẫn sai do mua iPhone theo kiểu 'mù đường'.
Nhưng một khi đã hiểu, bạn không chỉ kiểm tra máy dễ dàng, mà còn tự tin chọn mua iPhone phù hợp với nhu cầu, ngân sách và độ tin cậy. Đó mới là cách chơi sản phẩm Apple một cách thông minh.
Việc nắm rõ Serial, Model và Part Number không chỉ giúp bạn kiểm tra thiết bị khi mua, mà còn tăng hiểu biết về hệ sinh thái của Apple, từ cách nhà Táo phân phối sản phẩm cho đến cách họ kiểm soát chất lượng của chúng.
Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về Serial, Model và Part Number trên iPhone. Nếu bạn đang tìm mua iPhone cũ bản quốc tế, đừng quên ghé thăm Phúc Khang Mobile để được tư vấn và chọn được một sản phẩm ưng ý với chất lượng tốt nhất.