Trong thời buổi công nghệ 4.0 như hiện nay, smartphone dần trở thành vật bất ly thân của nhiều người. Sạc pin điện thoại vì thế cũng trở thành công việc thường nhật của mỗi người.
Tuy nhiên, không phải cứ sạc pin đầy tới 100% hay sạc một mạch tới khi pin đầy là xong, có những thói quen trong quá trình sạc có thể khiến pin điện thoại của bạn nhanh bị "chai" hơn, khiến thiết bị điện tử của bạn nhanh xuống cấp.
Dưới đây là một số sai lầm mà có đến 99% người dùng thường hay mắc phải trong quá trình sạc pin điện thoại.
Không sử dụng thiết bị sạc chính hãng
Đây là một trong những nguyên nhân gây ra các hiện tượng cháy nổ nguy hiểm do chúng không được gắn thiết bị chống sạc quá tải. Việc sử dụng các thiết bị sạc chính hãng sẽ giúp bạn tránh được các tai nạn không đáng có.
Mặt khác, khi dùng sạc chính hãng, bạn sẽ được hưởng các quyền lợi bảo hành từ nhà sản xuất nếu thiết bị của bạn xảy ra vấn đề liên quan đến pin và thiết bị sạc.
Quá lạm dụng vào sạc không dây
Bộ sạc dự phòng không dây sẽ trở thành cứu tinh khi bạn đi ra ngoài. Tuy nhiên, nhiệt tản ra từ bộ sạc và pin sẽ phá hủy điện thoại rất nhanh.
Sạc pin qua đêm
Do lịch trình bận rộn khiến nhiều người khó có thời gian rảnh để sạc pin cho đến khi đầy, nên phần lớn người dùng thường chọn sạc pin điện thoại lúc đi ngủ.
Tuy nhiên, dù smartphone có thể tự ngắt sạc khi đầy pin, nhưng việc pin đã đầy mà vẫn được cắm sạc có thể làm pin bị phồng và giảm tuổi thọ pin của thiết bị.
Sạc điện thoại khi không dùng
Nếu bạn định không dùng điện thoại trong một thời gian, hãy để thời lượng pin ở mức khoảng 50% (không đầy hay cạn pin) ở một nơi tối và khô ráo để thiết bị tránh bị hỏng
Luôn luôn sạc đầy 100%
Trên thực tế, những nghiên cứu của Battery University (một trang tổng hợp kiến thức hàn lâm về Pin điện thoại do 1 hãng sản xuất pin xây dựng) cho thấy loại pin Li-ion không cần thiết hay không nên sạc đầy hẳn tới 100%.
Bởi lẽ, theo lý thuyết, pin Li-ion sẽ tăng dần điện áp từ 3,8 - 4,2V sau khi được sạc đầy, nhưng với điện áp càng cao thì chất hóa học trong pin sẽ càng phản ứng nhanh hơn dẫn tới nhanh "lão hóa" hơn so với mức điện áp thấp.
Trong thực tế, sạc pin lithium-ion vừa phải sẽ giảm thiểu tình trạng pin quá căng. Vì thế, bạn có thể rút sạc của mình bất cứ lúc nào nếu cần thiết ngay cả khi pin sạc chưa đầy
Sạc một lần cho tới khi đầy pin
Pin Li-ion rất nhạy cảm trước những biến đổi lớn về điện và các chuyên gia ở Battery University đã tìm ra rằng, cách sạc giúp pin Li-ion hoạt động bền bỉ nhất đó là cắm sạc mỗi khi nó sụt mất 10% dung lượng. Và cũng không hề có chuyện mỗi lần rút sạc rồi cắm lại pin sẽ tính đó là 1 lần sạc.
Các chuyên gia khuyên rằng, hãy sạc pin liên tục trong ngày ngay khi có thể. Cách sạc này không phù hợp với thói quen sử dụng smartphone ngày nay, bởi chẳng ai tốn thời gian để canh sạc pin điện thoại 1 tiếng 1 lần cả.
Tuy nhiên, việc sạc pin thành những khoảng nhỏ vài chục % mỗi lần sẽ giúp pin hoạt động bền bỉ hơn hẳn so với việc dùng cạn pin và sạc 1 mạch tới khi đầy hẳn.
Để điện thoại cạn pin rồi mới sạc
Nhiều người vẫn giữ thói quen chỉ sạc điện thoại khi pin chỉ còn một vài %, nhưng điều này sẽ khiến thiết bị hoạt động thiếu ổn định, thậm chí là gây hỏng pin.
Khi bạn chờ pin cạn kiệt hoàn toàn hoặc chỉ còn 1% mới sạc sẽ khiến tuổi thọ pin của điện thoại bị giảm đáng kể, từ 1000 - 2500 xuống còn 300 - 500 chu kỳ sạc.
Sạc điện thoại khi nhiệt độ quá cao
Nhiều người không biết rằng, nếu sạc pin điện thoại ở nhiệt độ cao như dưới trời nắng hay trong cốp xe sẽ khiến cho điện thoại nóng lên và ảnh hưởng đến quá trình sạc pin.
Không tháo ốp lưng khi sạc pin
Trong quá trình sạc, những chiếc ốp lưng và vỏ case này có thể khiến cho smartphone và pin nóng hơn, vì nhiệt độ không được tản đều khi đang sạc.
Luôn cố định thiết bị sạc ở nguồn điện
Trong thực tế, việc cố định thiết bị sạc ở nguồn điện sẽ giúp bạn không phải mất thời gian đi tìm bộ sạc khi cần. Tuy nhiên, các bộ sạc phải được rút phích cắm ngay sau khi sử dụng, bởi chỉ cần một sự cố về điện cũng có thể gây ra một đám cháy.
Luôn sạc pin qua cổng USB
Có thể nói việc sạc pin điện thoại qua máy tính, cổng USB rất tiện lợi. Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng điện áp cấp qua chuẩn USB trên máy tính không thể bằng được so với việc dùng củ sạc chính hãng dành cho điện thoại.
Ngoài ra, việc sạc pin quá nhiều lần qua cổng USB sẽ có nguy cơ gây cháy nổ chập điện nếu bạn sử dụng sản phẩm không đúng, giật điện do bị ẩm hoặc cháy nổ do không có tản nhiệt.
Sạc điện thoại gần các thiết bị điện tử
Theo các chuyên gia, nếu sạc điện thoại gần các thiết bị điện tử khác thì sóng điện từ cộng với nhiệt độ từ các thiết bị này sẽ làm chậm tốc độ sạc pin, gây nóng máy và tăng nguy cơ cháy nổ.
Không tắt điện thoại khi sạc
Theo các nhà nghiên cứu, để tối ưu thời lượng pin trên các smartphone thì bạn nên tắt điện thoại thường xuyên, tốt nhất là khi chuẩn bị đi ngủ hoặc ít nhất 1 tuần 1 lần.
Điều này không chỉ có lợi cho pin mà còn giúp cho các thành phần khác trong điện thoại thông minh cũng được nghỉ ngơi. Nếu vì lí do gì đó mà bạn không muốn tắt máy, chỉ cần thường xuyên khởi động lại thiết bị cũng sẽ góp phần phục hồi thời lượng pin cho nó.
Vừa sạc vừa sử dụng
Đây là sai lầm mà đa phần người dùng đều mắc phải, việc này sẽ làm nóng máy, khiến tuổi thọ pin smartphone của chúng ta bị ảnh hưởng, do pin vừa trong trạng thái nạp năng lượng, lại vừa phải xả bởi những tác vụ của người dùng trong quá trình sạc.
Mặt khác, với xu hướng hiện nay, đa số những chiếc di động thời nay đều được làm từ chất liệu kim loại nguyên khối nên tiềm ẩn khả năng bị rò điện hoặc gây cháy nổ.
Xem thêm: Đây là những lý do bạn nên chọn mua đồng hồ Apple Watch