Là mẫu máy chủ lực của Samsung ở phân khúc tầm trung trong năm 2019, Samsung Galaxy A50 không đơn thuần là chiếc điện thoại đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của người dùng mà còn mang lại cho họ một trải nghiệm tuyệt vời.
Bởi mẫu smartphone này sở hữu rất nhiều công nghệ cao cấp như hệ thống 3 camera, cảm biến vân tay trong màn hình, đi kèm viên pin lớn và đặc biệt là có mức giá vô cùng phải chăng chỉ từ 6,99 triệu đồng.
Thiết kế
So với những chiếc máy thuộc dòng Galaxy A 2018, Galaxy A50 sở hữu vẻ ngoài tròn trịa hơn với thiết kế bo tròn ở tất cả các cạnh, mặt lưng được thiết kế đổi màu dạng gradient tạo nên hiệu ứng ánh sáng trông như cầu vồng khá hấp dẫn.
Với chất liệu nhựa, trọng lượng của máy ở mức vừa phải, chỉ 166g. Nhờ khả năng bắt sáng tốt, Galaxy A50 đặc biệt gây chú ý với người đối diện dù chỉ nhìn thoáng qua.
Điểm yếu của thiết kế này là người dùng sẽ ít nhiều có cảm giác hụt hẫng khi chuyển từ việc nhìn sang cầm nắm máy, dễ bám vân tay cũng như trầy xước. Theo thời gian, bạn sẽ thấy những vết xước ở mặt sau. Vì vậy, nếu muốn an toàn, bạn nên trang bị thêm ốp lưng.
Do có thiết kế khá mỏng và được làm từ chất liệu nhựa, nên cảm giác cầm nắm máy không thật sự đầm tay và chắc chắn. Tuy vậy, nhìn chung về mặt tổng thể, A50 vẫn là một chiếc máy gây ấn tượng nhờ thiết kế bắt mắt. Điều này đặc biệt đúng với phiên bản màu xanh dương.
Trong khi đó, khung viền máy được làm bằng kim loại và có nút chỉnh âm lượng cùng nút nguồn ở bên phải. Bên trái là khay chứa khe cắm 2 nano-SIM cùng khe cắm thẻ nhớ microSD chuyên dụng. Đây là một điểm cộng vì nhiều thiết bị vẫn đang dùng khay SIM lai, tức bạn chỉ có thể chọn 2 SIM hoặc 1 SIM + 1 thẻ nhớ.
Cạnh dưới smartphone là cổng cắm tai nghe 3.5 mm, cổng USB-C và loa ngoài. Nói về loa, âm thanh phát ra từ loa ngoài của Galaxy A50 có chất lượng khá tốt và được tái tạo đầy đủ.
Bạn sẽ nhận thấy sự thiếu vắng cảm biến vân tay ở mặt sau bởi Samsung dùng cảm biến vân tay trong màn hình. Nó hoạt động tốt, nhưng không nhanh bằng cảm biến điện dung truyền thống. Nếu thích, bạn có thể dùng nhận diện khuôn mặt (cũng nhanh hơn cảm biến trong màn hình) nhưng chắc chắn là không an toàn.
Một yếu tố cần lưu ý khác trong thiết kế của Galaxy A50 là màn hình Infinity-U, với phần notch dạng giọt nước cho tỷ lệ hiển thị màn hình ở mặt trước khá ấn tượng - 85.2%. Viền bezel ở 2 cạnh bên và trên cùng là khá mỏng nhưng viền cạnh dưới vẫn còn khá dày.
Màn hình
Điểm ấn tượng khác trên Galaxy A50 chính là màn hình hiển thị của sản phẩm. Sở hữu kích thước lên đến 6.4 inch, sử dụng tấm nền Super AMOLED và có độ phân giải Full HD+ trên Galaxy A50 là một trong những điểm nhấn đáng chú ý của sản phẩm.
Samsung đã tối ưu viền màn hình với một notch nhỏ như giọt nước, mang lại không gian hiển thị rộng lớn. Thậm chí, màn hình rực rỡ đến mức có vẻ hơi quá bão hòa. Bạn có thể vào phần cài đặt để điều chỉnh màu sắc theo sở thích.
Do đặc trưng của tấm nền Super AMOLED, màu đen được thể hiện rất sâu. Góc nhìn và độ sáng trên Galaxy A50 cũng rất tuyệt giúp người dùng thoải mái mang máy ra ngoài trời.
Ngoài ra, Galaxy A50 đi kèm tùy chọn bật chế độ Always-on (màn hình luôn bật) để bạn theo dõi thông báo vì máy không có đèn LED chuyên dụng.
Camera
Samsung cung cấp cho người dùng hệ thống 3 camera sau ấn tượng trên Galaxy A50. Bạn có thêm một ống kính góc rộng 8 MP để chụp ảnh linh hoạt hơn, bên cạnh camera chính 25 MP chụp thiếu sáng và camera phụ 5 MP đo độ sâu trường ảnh hỗ trợ chụp xóa phông.
Camera trên Galaxy A50 khá tốt cho những người thường dùng mạng xã hội do Samsung đã tích cực phát triển các thuật toán nhằm giảm nhiễu. Khi đủ sáng, máy có thể chụp được các bức ảnh tuyệt vời.
Tuy nhiên, camera chính có xu hướng phơi sáng quá mức nên cảnh có thể xuất hiện sáng hơn so với thực tế. Giống như hầu hết các điện thoại tầm trung, chất lượng hình ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu là thách thức với mọi nhà sản xuất. Dù ở chế độ tiêu chuẩn hay góc rộng, ảnh đều bị nhiễu ở mức tương đối.
Về camera selfie, với độ phân giải lên đến 25 MP, Galaxy A50 cho ra ảnh tự sướng có chất lượng khá tốt để người dùng tự tin up lên các trang cá nhân.
Hiệu năng
Về cấu hình, Galaxy A50 là chiếc smartphone đầu tiên của Samsung được trang bị chip Exynos 9610. Đây là vi xử lý được xây dựng trên tiến trình 10 nm, sử dụng kiến trúc big LITTLE lõi tám nhân, bao gồm 4 lõi Cortex A73 tốc độ 2.3 GHz cho những tác vụ nặng và 4 lõi Cortex A53 tốc độ 1.6 GHz đảm nhiệm những tác vụ nhẹ nhàng hơn để tiết kiệm năng lượng.
Đi kèm với đó là GPU MP3 Mali G72 xử lý đồ họa. Máy có 2 phiên bản: RAM 4 GB + ROM 64 GB và RAM 6 GB + ROM 128 GB với mức giá chênh nhau 1 triệu đồng.
Phiên bản RAM + ROM lớn sẽ phù hợp với những ai thường xuyên chạy đa nhiệm nhiều tác vụ nặng cũng như cài đặt nhiều game nặng và quay video độ phân giải cao.
Chip Exynos 9610 đảm bảo cho Galaxy A50 một hiệu suất tốt. Dù là điều hướng quanh giao diện hoặc chạy bất kỳ ứng dụng nào, máy đều duy trì sự ổn định. Samsung đã tối ưu hóa phần mềm để phát huy hiệu quả sức mạnh phần cứng, mang lại trải nghiệm tốt cho người dùng.
Về GPU, Galaxy A50 duy trì tốc độ khung hình ổn định trong game PUBG Mobile khi cài đặt ở chế độ Ultra. Đặc biệt, máy chỉ ấm lên vừa phải ngay cả khi chơi game trong thời gian dài.
Dưới đây là một vài kết quả benchmark của A50 bằng phần mềm AnTuTu (đo hiệu năng tổng thể) và 3D Mark (đo hiệu năng GPU):
Ngoài ra, hiệu suất kết nối mạng của Galaxy A50 là rất tốt. Thiết bị có thể giữ tín hiệu ngay cả ở điều kiện sóng yếu và âm thanh trong các cuộc gọi nghe to, rõ ở cả 2 đầu dây.
Phần mềm
Samsung Galaxy A50 chạy Android 9 Pie với giao diện One UI gần như giống hệt Galaxy S10 ngay khi xuất xưởng. Phần mềm của máy rất đơn giản và dễ sử dụng với vô số tùy chọn để điều chỉnh theo sở thích, từ hiển thị nội dung trên màn hình always-on, mở Bixby bằng nút nguồn đến tắt hoàn toàn hình động.
Bạn cũng có thể chuyển đổi giữa nút ảo và điều hướng dựa trên cử chỉ. Trong quá trình thiết lập ban đầu, Galaxy A50 cho phép bạn chọn để cài đặt các ứng dụng Samsung thay vì cài sẵn nhiều ứng dụng, một cách làm rất tốt khi nhiều người dùng vẫn hay phàn nàn về việc điện thoại có quá nhiều phần mềm mặc định mà họ không dùng đến.
Thời lượng pin
A50 tích hợp pin dung lượng cao, lên đến 4.000 mAh cho thời gian sử dụng cả ngày mà pin vẫn còn dư dả. Trong suốt một tuần trải nghiệm, phóng viên trang Android Authority luôn còn 30 - 40% pin trên Galaxy A50 vào cuối ngày dù thực hiện các cuộc gọi dài, sử dụng nhiều phương tiện truyền thông xã hội cũng như phát nhạc.
Với mức sử dụng vừa phải, Galaxy A50 có thể hoạt động được trong một ngày rưỡi. Ngay cả khi chơi game nặng, bạn vẫn có thể trải qua một ngày khá dễ dàng.
Trong thử nghiệm sử dụng hỗn hợp với game, phương tiện truyền thông xã hội và phát nhạc, điện thoại luôn đạt 6 tiếng on screen (thời gian màn hình sáng).
Ngoài ra, Galaxy A50 cũng hỗ trợ sạc nhanh 15 W giúp người dùng rút ngắn thời gian nạp đầy năng lượng cho viên pin 4.000 mAh.
Kết luận
Dù không phải là mẫu smartphone sở hữu cấu hình cao nhất, A50 là mẫu điện thoại được đánh giá rất cao ở phân khúc 7 triệu đồng. Bên cạnh đó, việc Samsung tích hợp những tính năng cao cấp vào dòng sản phẩm tầm trung cũng khiến Galaxy A50 ghi điểm trong mắt người sử dụng.
Ưu điểm
- Thiết kế đẹp, bắt mắt với phiên bản màu xanh dương.
- Được trang bị cảm biến vân tay dưới màn hình.
- Có 3 camera với 1 camera xóa phông và 1 camera góc siêu rộng.
- Dung lượng pin cao.
- Hệ điều hành Android 9.0 mới nhất.
Nhược điểm
- Vỏ máy làm bằng nhựa giả kim loại.
- Máy nhẹ, cảm giác cầm nắm chưa thực sự đã tay.
- Tốc độ nhận diện dấu vân tay còn chậm.