Ngày nay, việc mua iPhone cũ đã không còn quá xa lạ với người dùng Việt Nam. Giá rẻ và chất lượng khá ổn là những điều khiến loại sản phẩm này nhận được nhiều sự quan tâm đến thế.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn mua phải hàng kém chất lượng với giá thành cao do thiếu kiến thức về loại iPhone này. Do đó, nếu bạn đang ý định "tậu" cho mình một "em" có chất lượng tốt và giá thành phù hợp, thì hãy đọc ngay bài viết dưới đây.
1. Lựa chọn cửa hàng bán iPhone cũ uy tín
Mặc dù có rất nhiều cửa hàng kinh doanh iPhone đã qua sử dụng, nhưng việc tìm được một địa chỉ uy tín thì không hề dễ. Do đó, bạn nên tìm cho mình một vài shop mà bạn cho là bán hàng chất lượng, sau đó lọc ra cửa hàng uy tín bằng một số mẹo nhỏ sau.
- Điều quan trọng nhất là bạn phải kiểm tra xem cửa hàng đó có website riêng không.
- Trên website đó có đầy đủ thông tin sản phẩm, liên hệ, chế độ bảo hành (điện thoại củ phải từ 6 tháng trở lên), chính sách đổi trả, hỗ trợ kỹ thuật hay không.
- Tìm kiếm trang YouTube và Facebook của các cửa hàng đó (nếu có), mặc dù kênh YouTube có thể không có nhưng Fanpage Facebook thì hầu hết các cửa hàng hiện nay đều có.
- Xem đánh giá của những khách hàng trên YouTube và Facebook như thế nào. Trường hợp có khách hàng không hài lòng thì xem cửa hàng phản hồi lại như thế nào.
- Xem cửa hàng có nhiệt tình tư vấn cho khách hàng và có đăng bài viết mới thường xuyên hay không.
- Hãy nhờ cửa hàng đó tư vấn xem họ trả lời như thế nào. Nhân tiện hỏi luôn chính sách bảo hành và hỗ trợ kỹ thuật sau bán hàng, để khi ra tiệm còn có thời gian để test máy.
Sau khi chọn được cho mình địa chỉ uy tín, bạn hãy đến trực tiếp cửa hàng để nhờ nhân viên tư vấn cũng như trải nghiệm máy, rồi dựa vào đó mới tính đến chuyện có nên mua hay không.
2. Không nên ham rẻ
Ham đồ rẻ đã là tâm lý chung của người Việt, nhưng bạn nên nhớ là "tiền nào của đấy". Không nên chỉ vì tiết kiệm "vài đồng bạc" mà bạn phải ôm hận cũng như mất cả "gia tài" về sau.
Các thương gia hoàn toàn có thể cho bạn mức giá rất tốt, nhưng đó gần như là giới hạn để họ đảm bảo có đủ lãi nhằm tiếp tục kinh doanh. Có một điều bạn cần phải biết, giá bán của 1 sản phẩm không chỉ là giá nhập thiết bị đó, mà nó còn bao gồm tiền thuê nhân viên và mặt bằng, cũng như chi phí rủi ro có thể phát sinh nếu sản phẩm bị lỗi.
3. Kiểm tra IMEI và số Serial
Trước khi quyết định mua máy thì kiểm tra IMEI và số Serial là việc mà bạn cần phải thực hiện. Đối với iPhone mới nguyên seal hoặc còn bảo hành, thì số IMEI và Serial sẻ giúp người dùng nắm được thông tin sơ bộ về ngày kích hoạt và hạn bảo hành.
Đối với iPhone đã qua sử dụng thì hạn bảo hành sẽ không còn, nhưng bạn có thể dùng nó để kiểm tra xem iPhone bạn định mua có phải là sản phẩm chính hãng không. Do đó, người mua cần kiểm tra xem số IMEI/Serial in trên vỏ máy có trùng với số ghi trên máy hay không.
Để kiểm tra cố IMEI/Serial trên máy, bạn vào mục Settings -> General -> About. Nếu kết quả đối chiếu không trùng khớp, người mua nên yêu cầu đổi một thiết bị khác.
4. Kiểm tra ngoại hình máy
Dựa vào ngoại hình của 1 chiếc iPhone cũ, ta có thể biết được người chủ trước đây của nó có dùng cẩn thận hay không. Bạn hãy quan sát các con ốc trên thân máy, nếu ốc bị trầy thì khả năng máy đã bị tháo ra và sửa chữa.
Đôi khi cũng có những chiếc iPhone "siêu dựng" có vẻ ngoài hoàn toàn mới, lúc này thì phải cần đến người có kinh nghiệm đi cùng để có thể "bung máy" ra kiểm tra.
Nếu bạn đi một mình và không có kinh nghiệm, thì nên chọn mua những máy có vết trầy xước nhẹ để đảm bảo hơn, những máy này thường được giới thiệu là iPhone 98% hoặc 99%. Tuyệt đối không chọn những máy đã bị móp ở bên ngoài.
5. Dùng thử các tính năng cơ bản
Mặc dù các mẫu iPhone cũ bán tại cửa hàng đều được kiểm tra kỹ lưỡng các tính năng cơ bản, nhưng để chắc chắn hơn thì bạn nên tự mình test lại các tính năng cơ bản như nghe, gọi, nhắn tin, chụp ảnh, quay video,... vì đôi khi sẽ có một "em" chưa qua kiểm tra nhưng vẫn lọt được vào "vòng trong".
Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm tra xem màn hình cảm ứng có bị lỗi không, Face ID và Touch ID có nhận diện được không. Đối với iPhone có nút Home thì bạn cũng nên kiểm tra kỹ nút bấm này; nút Home còn tốt sẽ có độ nẩy nhẹ, bấm êm và không có cảm giác vướng víu.
6. Restore máy để kiểm tra iCloud
Khi mua iPhone like new tại cửa hàng, nhân viên thường sẽ nói rõ về tình trạng iCloud của máy để tránh gặp rắc rối với khách hàng. Với các máy dính iCloud "ẩn", người dùng có thể sử dụng bình thường nhưng không được phép "restore máy" hoặc "reset all settings".
Vì vậy, nếu không muốn mua phải một chiếc iPhone dính iCloud thì bạn hãy restore máy. Nếu xuất hiện màn hình đăng nhập tài khoản iCloud, hãy xin tài khoản của cửa hàng (vì một số cửa hàng sẽ cài iCloud), nếu cửa hàng không có thì hãy trả lại máy và ngừng giao dịch.
7. Kiểm tra tình trạng pin
iPhone đã qua sử dụng thường bị chai pin, thậm chí là pin bị hỏng. Do đó, bạn nên kiểm tra tình trạng pin trước khi mua máy. Để kiểm tra, bạn hãy mang theo máy tính có cài phần mềm iBackup, sau đó kết nối iPhone với máy tính để kiểm tra số lần sạc và độ khả dụng (capacity).
Ví dụ, iPhone 7 có dung lượng pin trên lý thuyết là 1.960 mAh, nhưng chiếc iPhone 7 cũ sẽ chỉ sạc được trong khoảng 1.500 - 1.800 mAh. Con số này càng gần với con số lý thuyết càng tốt.
Hy vọng với bài viết này, bạn sẽ tìm mua cho mình được một chiếc iPhone đã qua sử dụng vừa ý và hợp túi tiền.