Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các mẫu điện thoại trên thị trường đều có khả năng "kháng nước". Thế nhưng, phần lớn người dùng lại không hiểu chính xác về khả năng này, dẫn đến những sai lầm không đáng có khiến di động của bạn bị hư hỏng.
Để tránh gặp phải những sự cố đáng tiếc này, bài viết dưới đây sẽ làm rõ về khả năng kháng nước trên điện thoại để người dùng không vô tình làm hỏng thiết bị của mình.
1. Phân biệt giữa "kháng nước" và "chống nước"
Một vài năm trở lại đây, các hãng công nghệ bắt đầu chú ý tới việc trang bị khả năng kháng nước cho những chiếc smartphone của mình. Thế nhưng, người dùng lại không hiểu rõ về khái niệm này và tưởng nó giống như chống nước. Thành ra tâm lý chủ quan và nghĩ rằng điện thoại của mình "bơi được".
Để đo độ kháng nước của những chiếc điện thoại, chúng ta sẽ dùng chuẩn IP. Đây là một chuẩn được Ủy Ban Kỹ Thuật Điện Quốc Tế (IEC) đưa ra nhằm đánh giá xem thiết bị điện trụ được bao lâu trong điều kiện nước và bụi bẩn.
Ký tự tiếp theo sau cụm IP dùng để đánh giá mức chống lọt bụi và cát của thiết bị. Nếu đạt được chuẩn IP6 thì thiết bị đó sẽ có khả năng "chống lọt bụi" 8 giờ liên tục.
Nếu smartphone nào có ký tự thứ 4 thì mới có khả năng kháng nước, ví dụ IP67 hoặc IP68. Điện thoại đạt IP68 thì có thể kháng nước ở độ sâu tối đa 1.5 m trong 30 phút.
Nhìn chung thì chỉ số IP càng cao thì khả năng kháng nước và bụi càng tốt. Nhưng đi kèm với đó là giá thành sản phẩm rất cao, ví dụ như iPhone 11 Pro, iPhone 11 Pro Max, Samsung Galaxy Note 10 và Google Pixel 4 đều đạt chuẩn IP68.
Tuy nhiên, bạn nên biết rằng nhà sản xuất trang bị tính năng này trên điện thoại là để phòng trường hợp bất đắc dĩ. Do đó, không nên quá ỷ lại vào các thông số mà đem điện thoại đi nhúng lẩu hay tập bơi.
Hơn nữa, không có chiếc điện thoại nào hiện nay là không thấm nước hay chống nước (waterproof). Chúng chỉ đơn thuần là kháng nước (water resistant), tức là không hoàn toàn miễn nhiễm với chất lỏng.
Nói cách khác, ngay cả một chiếc smartphone có xếp hạng IP68 - mức cao nhất hiện nay, cũng có thể phải chịu thiệt hại do nước gây ra trong một số điều kiện nhất định. Chẳng hạn, nó sẽ sống sót khi rơi vào bồn rửa tay, nhưng có thể không chống chịu được khi bị tia nước nóng phun vào.
2. Vài mẹo hữu ích khi điện thoại bị dính nước
Bởi vì điều kiện thử nghiệm và môi trường thực tế đôi khi khác xa nhau. Theo đó, sau thời gian dài sử dụng thì hiệu quả kháng nước sẽ không còn được như ban đầu.
Một sự thật trớ trêu rằng, phần lớn những chiếc điện thoại thông minh "chết đuối" hiện nay lại là những thiết bị được trang bị chuẩn kháng nước.
Do đó, nếu chẳng may thiết bị của bạn bị vào nước, bạn có thể "cứu sống" nó theo các bước dưới đây.
Tắt nguồn và tháo SIM ngay lập tức
Việc bạn cần phải làm ngay là ngắt nguồn, việc này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ chập mạch, IC.... Tiếp theo là tháo khay sim ra vì cái khe nhỏ bé này có thể là nơi đầu tiên mà nước lọt vào.
Làm khô điện thoại càng nhanh càng tốt
Dùng khăn mềm lau toàn bộ xung quanh thiết bị để làm khô. Sau đó, bỏ điện thoại vào hộp chứa đầy vật liệu hút nước tốt như gạo trong ít nhất 8 tiếng.
Tuyệt đối không sử dụng máy sấy tóc để làm khô điện thoại. Vì nó có thể khiến cho nước lọt vào sâu trong thiết bị và nhiệt lượng quá lớn sẽ gây hỏng hóc linh kiện.
Nếu có gói chống ẩm thì nên sử dụng thay vì dùng gạo
Gazelle - công ty chuyên thu mua điện thoại hỏng về sửa rồi đem bán, đã chứng minh việc sử dụng gạo sẽ không có hiệu quả quá cao như bạn nghĩ.
Trong thí nghiệm của mình, Gazelle đã cho 9 chiếc điện thoại ngâm trong nước khoảng 10 giây, rồi đặt chúng vào những bát chứa các vật liệu hút ẩm dễ kiếm như gạo, ngũ cốc.... Kết quả là có 3 chiếc điện thoại không thể bật lên. Thí nghiệm cũng chỉ ra rằng các máy Samsung thoát nước dễ hơn iPhone.
Do đó, nếu có điều kiện thì thay vì sử dụng gạo đế hút ẩm, bạn nên sử dụng các vật liệu có khả năng hút ẩm cao như silica gel.
Nguồn: TGDD
Xem thêm: Đây là chiếc iPhone giá cực rẻ nhưng cho iFan trải nghiệm iOS 13 cực tốt