Hầu như dòng điện thoại cao cấp đều sở hữu tính năng chống nước. Thế nhưng, đối với các dòng điện thoại phổ thông thì tính năng này vẫn chưa được trang bị phổ biến.
Vậy phải xử lý như thế nào khi những chiếc "dế yêu" này rơi xuống nước? Hãy làm theo các bước sau đây và bạn sẽ có cơ hội đem lại sự sống cho chiếc smartphone bị "chết đuối".
Lưu ý:
- Một số thiết bị được bảo hành kể cả khi bị vào nước, do đó mà bạn nên liên hệ và đem đến ngay trung tâm bảo hành (tự ý tháo thiết bị có thể làm mất hiệu lực bảo hành).
- Đây là chia sẻ từ nhiều trường hợp bị rơi vào nước nên phuckhangmobile.com không chịu trách nhiệm cho bất kì hư hỏng và rủi ro, cũng như kết quả có cứu được thiết bị hay không.
Cách giữ điện thoại an toàn trong mùa mưa
Mặc cho chiếc điện thoại của bạn đã được trang bị tính năng chống nước, thế nhưng, đối với mùa mưa như "thác đổ" thì để điện thoại được an toàn hơn, chúng ta cần phải có những "típ" sau đây:
- Đóng kĩ các cổng như khe SIM, khe cắm thẻ nhớ, cổng Micro USB... trước khi cho máy tiếp xúc với nước.
- Hạn chế tối đa việc để smartphone tiếp xúc với nước biển hoặc các loại nước có độ ăn mòn cao, vì chúng có thể gây hư hỏng các bộ phận bên trong.
- Đối với các điện thoại thông minh không có khả năng chống nước, nhưng vẫn muốn chụp ảnh dưới nước hay dưới mưa, thì tốt nhất bạn nên dùng "áo giáp" cho điện thoại là túi chống nước.
Những điều bạn không nên làm khi máy bị rơi xuống nước
- Không bật hoặc sử dụng điện thoại trong bất kỳ trường hợp nào.
- Không nhấn bất kỳ nút hoặc phím nào.
- Không nên cố gắng đập mạnh điện thoại để nước rớt ra.
- Không cố gắng thổi vào điện thoại để mong bay bớt nước. Việc làm này chỉ tạo thêm lực khiến cho nước nhanh chóng xâm nhập vào các bộ phận khác bên trong điện thoại, gây thiệt hại nhiều hơn.
- Không dùng nhiệt để mong nước bốc hơi như máy sấy hoặc bỏ điện thoại vào lò vi sóng. Bỏ vào tủ đông cũng là một cách không hay.
Phải làm gì khi điện thoại rơi xuống nước?
1. Tắt nguồn
Nếu chẳng may điện thoại bị rơi xuống nước, điều đầu tiên cần làm là lấy chiếc điện thoại của bạn ra và tắt nguồn ngay lập tức, vì tắt nguồn điện thoại sẽ giúp cho chúng tránh bị chạm, chập các linh kiện bên trong.
Nếu như trong trường hợp đang sạc thì hãy bình tĩnh rút sạc ra trước rồi hãy lấy điện thoại sau, nếu không sẽ có thể bị điện giật do điện thoại vẫn có khả năng nhận sạc từ nguồn điện.
2. Tháo pin, sim, thẻ nhớ
Tiếp đến, bạn tháo tất cả các bộ phận quan trọng trong máy như pin, SIM và thẻ nhớ ra. Dùng khăn mềm và khô để lau, sau đó để ở nơi thoáng mát cho nhanh khô.
Đối với những smartphone có thiết kế nguyên khối, việc bạn cần làm là tháo khe cắm SIM ra và nhẹ nhàng lau khô cũng như là xử lý những bước tiếp theo.
Sau đó có thể sử dụng một chiếc khăn khô và mềm khác hoặc tăm bông để lau cổng sạc, cổng tai nghe, tất cả các cổng kết nối với phụ kiện...
3. Hút ẩm cho điện thoại
Bạn hãy hút ẩm cho điện thoại bằng cách sử dụng hộp hút ẩm, máy hút chân không, gói hút ẩm để điện thoại vào trong 1 ngày đến 2 ngày (tùy vào việc điện thoại bị ngâm dưới nước lâu hay nhanh). Sau đó, để điện thoại ra ngoài môi trường khô ráo, độ ẩm không khí thấp trong vài giờ.
Trong trường hợp không có những thứ trên, bạn có thể dùng gạo để hút ẩm. Hãy để gạo phát huy tác dụng hút hết độ ẩm trong điện thoại trong vòng 48 giờ đồng hồ.
Nếu có thể, nên kiểm tra vài tiếng một lần và thay đổi góc độ để đảm bảo điện thoại được hút ẩm toàn bộ bề mặt. Nên nhớ, trong thời gian này, tránh nôn nóng mở nguồn để xem tình trạng máy.
Lưu ý:
- Bạn không nên vẩy, lắc điện thoại vì điều này sẽ khiến cho nước lọt vào máy sâu hơn.
- Không được sử dụng máy sấy thay cho máy hút bụi vì nhiệt độ cao của máy sấy có thể làm hỏng các linh kiện bên trong.
- Không ngâm điện thoại trong thùng gạo vì bụi từ gạo có thể lọt vào bên trong máy. Vì thế, khi dùng gạo để hút ẩm, bạn chỉ cần để điện thoại trên bề mặt gạo là được.
4. Khởi động và kiểm tra máy
Cuối cùng, bạn hãy khởi động lại điện thoại, nếu như điện thoại vẫn hoạt động bình thường, tốt nhất bạn nên sao lưu lại toàn bộ dữ liệu máy vào ứng dụng lưu trữ đám mây nào đó hoặc vào máy tính, tránh mất dữ liệu do điện thoại bị hỏng bởi dính nước quá nặng.
Sau khi gắn pin, sim và thẻ nhớ vào, máy hoạt động bình thường thì bạn vẫn nên theo dõi tình trạng máy trong vài ngày tới để phát hiện ra các hư hỏng nếu có.
Nếu trường hợp đã gắn pin vào rồi nhưng máy không mở, hãy cắm sạc và kiểm tra thông báo sạc, nếu trong lúc sạc mà có tiếng kêu lạ hoặc nghe mùi khét thì nên rút sạc ra ngay lập tức, trường hợp này có thể là do pin của bạn đã bị hư hỏng, hãy thay pin mới và thử lại với máy.
Trường hợp đã thay pin, nhưng vẫn mở nguồn không lên thì chứng tỏ điện thoại của bạn đã bị hỏng, lúc này cần tìm hiểu nơi sửa chữa điện thoại chuyên nghiệp để giúp bạn giải quyết vấn đề.
Kiểm tra bảo hành khi máy bị dính nước
Hãy kiểm tra vạch chỉ thị tiếp xúc chất lỏng LCI (liquid contact indicator) trong điện thoại. Đó là một nhãn dính màu trắng mà khi bị dính nước sẽ trở thành màu đỏ. Các hãng sản xuất dán nhãn LCI lên sản phẩm để dùng làm thử nghiệm giấy quỳ khi xét điều kiện bảo hành.
Trong hầu hết các trường hợp, hãng sản xuất có thể từ chối không sửa chữa hay thay thế điện thoại cho bạn nếu nhãn LCI đã bị tác dụng đổi màu. Vị trí nhãn LCI khác nhau tùy loại smartphone và các hãng sản xuất ngày nay thường dấu nhãn LCI này để khách hàng khỏi táy máy.
Trên đây là cách xử lý khi điện thoại khi chẳng may bị rơi xuống nước. Hi vọng sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình sử dụng.
Nguồn: Nguyễn Kim