Hãy tưởng tượng đến một ngày, bạn không cần chạm tay vào thiết bị và cũng không cần ra lệnh bằng giọng nói, nhưng vẫn có thể mở iPhone, nhắn tin, điều hướng ứng dụng,... Tất cả đều có thể được thực hiện chỉ bằng suy nghĩ.

Điều này nghe có vẽ như phim khoa học viễn tưởng phải không nào? Không đâu, điều vô lý tưởng chừng chỉ là viễn tưởng này sắp được Apple mang đến hiện thực, với công nghệ điều khiển thiết bị bằng não bộ.

Apple và tầm nhìn vượt giới hạn

Không chỉ dừng lại ở việc điều khiển thiết bị bằng ngón tay hoặc giọng nói, hay điều khiển bằng ánh mắt như trên Vision Pro vừa được hãng giới thiệu gần đây.

Apple dường như đang bước vào một cuộc hành trình đầy táo bạo hơn, đó là sử dụng sóng não để tương tác với thiết bị. Đây chính là bước nhảy vọt trong công nghệ giao diện não - máy tính (Brain-Computer Interface).

Điều khiển iPhone bằng suy nghĩ - Hình 1

Mô phỏng giao diện Stentrode đặt trên não người.

Theo đó, Nhà Táo được cho là đã tiến hành hợp tác với công ty công nghệ y sinh Synchron, nhằm phát triển một thiết bị cấy ghép não Stentrode. Thiết bị này có khả năng thu thập tín hiệu thần kinh của người dùng và truyền đến thiết bị Apple như iPhone, iPad hay kính thực tế ảo Vision Pro.

Được biết, ý tưởng này không hề mới. Nó đã được PLX Devices giới thiệu từ năm 2011 trên thiết bị ra mắt đầu tiên là tai nghe XWave, với khả năng phát hiện sóng não và kết nối với công nghệ hàng ngày. Tuy nhiên, do tham vọng được cho là quá lớn ở thời điểm đó, đã khiến công ty phải tuyên bố phá sản sau đó không lâu.

Không chỉ Apple, cả thế giới đang chạy đua

Sau PLX Devices, đã có nhiều công ty công nghệ bước vào cuộc chơi này. Tuy biểu trong số đó có thể kể đến Neuralink - công ty của tỷ phú Elon Musk, đã phát triển thiết bị có tên N1 - cho phép người dùng điều khiển con trỏ máy tính chỉ bằng suy nghĩ với độ chính xác ấn tượng.

Điều khiển iPhone bằng suy nghĩ - Hình 2

Tuy nhiên, trong khi Neuralink đi theo hướng đào sâu vào não bộ, Apple có vẻ như đang chọn cách tiếp cận nhẹ nhàng và an toàn hơn, đó là tập trung vào khả năng thương mại hóa sớm.

Theo Morgan Stanley, hiện có khoảng 150.000 người tại Hoa Kỳ đủ điều kiện để sử dụng công nghệ này trong giai đoạn đầu. Apple dự kiến sẽ công bố tiêu chuẩn thiết bị cấy ghép ngay trong năm nay, nhưng quá trình thương mại hóa đại trà có thể phải chờ đến sau năm 2030.

Sứ mệnh vì cộng đồng khuyết tật

Apple tin rằng, điều khiển thiết bị bằng suy nghĩ không chỉ là một 'gadget ngầu lòi' - nó còn là cánh cửa mở ra cuộc đời mới cho hàng triệu người khuyết tật.

Điều khiển iPhone bằng suy nghĩ - Hình 3

Những người bị chấn thương tủy sống, bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS) hoặc gặp khó khăn trong việc vận động, giờ đây, họ đã có thể điều khiển thiết bị một cách dễ dàng chỉ với... một ý nghĩ.

Điển hình như Mark Jackson - một bệnh nhân ALS, đã được cấy ghép thiết bị Stentrode và hiện đã có thể sử dụng kính Vision Pro để trải nghiệm không gian ảo như đang đứng giữa dãy Alps.

Vì một tương lai không cần chạm

Hãy thử tưởng tượng đến một ngày, bạn không cần phải chạm vào màn hình, không cần ra lệnh bằng giọng, thay vào đó chỉ cần nghĩ. Từ chơi game, gõ văn bản, đến lái xe tự động,... - tất cả sẽ chỉ cần tín hiệu từ bộ não.

Công nghệ điều khiển thiết bị bằng sóng não không chỉ là 'trào lưu công nghệ mới', mà còn có thể trở thành chuẩn mực mới của tương lai. Và Apple, như thường lệ, vẫn đang âm thầm dẫn đầu làn sóng ấy.