Trong vài tháng trở lại đây, thị trường cầm đồ bỗng nhiên nổi lên một hình thức cho vay mới, điều đặc biệt ở hình thức này là người đi vay vẫn có thể sử dụng vật đã thế chấp. Tuy nhiên, dịch vụ này chỉ được thiết kế dành riêng cho người dùng iPhone và iPad.
Vậy hình thức cho vay này thật ra là gì? Chúng ta có nên vay tiền bằng hình thức này? Tất cả câu hỏi sẽ được trả lời ngay trong bài viết dưới đây.
1. Làm sao để vay tiền thế chấp bằng iPhone / iPad?
Để có thể vay tiền bằng hình thức này, người đi vay phải chấp nhận sử dụng tài khoản iCloud của người cho vay, điều này đồng nghĩa với việc thiết bị của bạn sẽ chở thành "vật làm tin".
Trong trường hợp người đi vay không chịu trả nợ, bên cho vay sẽ khóa máy từ xa hoặc tìm đến đòi nợ qua tính năng Find My Phone được trang bị trên iPhone và iPad.
Tuy được quảng cáo là cho vay giá rẻ, nhưng lãi suất cho hình thức này lên đến 0.5%/ngày.
Tuy được quảng cáo là cho vay từ 70 - 80% giá trị máy, nhưng trong thực tế thì việc định giá máy thường bị xử ép. Ví dụ, một chiếc điện thoại iPhone X của bạn có giá khoảng 10 triệu đồng, khi mang đi "cầm cố" thì bạn chỉ được vay 5.2 triệu đồng, tức là chỉ tầm 50% giá trị máy.
2. Có nên vay tiền thế chấp bằng iPhone / iPad?
Với mức lãi suất lên đến 0.5%/ngày, người cho vay sẻ thu về khoảng lãi là 15%/tháng. Đây là mức lãi suất rất cao so với các dịch vụ cho vay của ngân hàng (10 - 12%/năm với vay thế chấp và 16 - 25%/năm với vay tín chấp). Chính vì vậy, người đi vay tiền bằng iCloud rất dễ gặp phải khủng hoảng về tài chính.
Từng tiếp xúc với hình thức cho vay qua iCloud, anh Lưu Quý (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, thời gian đầu việc vay bằng iCoud khá đơn giản, không cần thủ tục gì nhiều. Tuy nhiên, các chủ nợ bắt đầu siết chặt yêu cầu hơn khi xuất hiện không ít trường hợp người vay bỏ máy vì mất khả năng chi trả.
Do nắm trong tay tài khoản iCloud, người cho vay có thể kiểm soát từ xa chiếc smartphone của người đi vay.
Với tình huống này, không chỉ chủ máy mà bên cho vay cũng có thể gặp thiệt hại, khi phần tiền đã trả góp thấp hơn giá trị cho vay của họ. Do vậy, bên cạnh việc phải cài đặt iCloud của chủ nợ, người đi vay còn được yêu cầu cung cấp các giấy tờ tùy thân để xác minh danh tính.
Bên cạnh đó, người cho vay đang có xu hướng thắt hầu bao khi định giá, khiến khoản tiền cho vay nhỏ hơn nhiều so với giá trị máy. Mục đích của hành động này là để cán cân lợi ích nghiêng nhiều hơn về phía người cho vay. Bên vay vì thế sẽ không nỡ "xù nợ" do tiếc giá trị máy.
Ngoài mức lãi suất cao, người đi vay còn có thể để lộ dữ liệu của mình do vô tình tự đồng bộ dữ liệu cá nhân (ảnh, tin nhắn, danh bạ, tài khoản) lên tài khoản iCloud của chủ nợ.
Do đó, để không bị rơi vào tình trạng trên, cách tốt nhất là người dùng cần tránh xa những dịch vụ cho vay kiểm soát bằng tài khoản iCloud như thế này.
Nguồn: TGDD